Với tôi, người đã đi xe máy 20 năm, gắn bó với chiếc xe 2 bánh, tôi thấy hãi cái xe máy.
Mấy ngày nay đọc báo thấy người ta bàn luận về chuyện cấm xe máy ở các thành phố lớn, cấm thế nào, lộ trình ra sao mà tôi rất quan tâm. Vẫn có 2 luồng dư luận về vấn đề này, người phản đối, nhóm ủng hộ.
Với tôi, người đã đi xe máy 20 năm, gắn bó với chiếc xe 2 bánh, tôi thấy hãi cái xe máy.
Hãi vì đi xe máy quá nguy hiểm. Nó là “thủ phạm” số một về tai nạn giao thông. Đối với nhiều quốc gia, xe máy bị xếp vào hàng phương tiện giao thông nguy hiểm, không khuyến khích sử dụng, thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố.
Hãi vì vận tốc của nó có thể đạt ngang ôtô nhưng độ an toàn chỉ tương đương xe đạp. Tai nạn xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các cung đường của nước ta đã minh chứng cho điều đó.
Hãi vì xe máy như một thứ “đặc sản” khó nuốt ở Việt Nam. Nếu bạn thấy một hình ảnh đường phố Việt Nam trên ti vi bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay vì có những chiếc xe máy. Ấn tượng của người nước ngoài về giao thông Việt Nam cũng là một ấn tượng xấu. Lộn xộn, hỗn loạn cũng vì xe máy.
Với những người dân Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh thì nạn kẹt xe là chuyện thường xuyên như cơm bữa. Nhìn vào những giao lộ bị tắc nghẽn, không khó để nhận ra thành phần hỗn loạn, lộn xộn nhất chính là những người đi xe máy. Người thì len lỏi giữa các dòng ô tô, kẻ thì lấn sang làn ngược chiều, chưa kể đến hàng dài xe máy luồn lách, leo lên vỉa hè, “mở đường máu” bằng mọi cách bất chấp luật lệ.
Hãi vì xe máy là nguyên nhân gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Việc dừng, đỗ xe máy trên vỉa hè, lòng đường làm mất mĩ quan đường phố. Người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng tạo nên một bức tranh giao thông hỗn loạn.
Sự tiện lợi của xe máy dừng bất kỳ chỗ nào sinh ra hàng quán, chợ cóc vỉa hè thay cho các nhà hàng, siêu thị sạch sẽ, văn minh. Sự phát triển tràn lan hàng quán, chợ cóc vỉa hè sản sinh ra một lượng rác thải khổng lồ không được xử lý mà được đổ ngay ra vỉa hè, lòng đường, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Hiếm có nước nào mà rác rưởi, bụi bặm nhiều như Việt Nam, kể cả ở các nước nghèo hơn. Có thể nói, còn rất nhiều “thói hư tật xấu” mà nền “văn minh xe máy” đang mang đến cho người dân.
Chich