Ngày 4: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn

Ngày tạo: 16-12-2017

Những kẻ lữ hành xuôi ngược Bắc - Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh thì nhiều. Nhưng ít ai biết rằng, có một cung đường chạy dọc phía tây dãy Trường Sơn với khung cảnh hung vĩ và đẹp đến nao lòng.

Đi cung đường ít biết

Ngày thứ 4 trong "Hành trình di sản” mang tên "Những chuyến viễn du" khám phá Tây Trường Sơn là một ngày thật đáng nhớ đối với chúng tôi khi có dịp trải nghiệm lái xe, chụp hình trên cung đường ít người biết đến – cung đường nhánh Tây Trường Sơn.

Hành trình ngáy 04 (2).jpgNgày thứ 4 trong hành trình khám phá Tây Trường Sơn là một ngày thật đáng nhớ với chúng tôi

Cho đến bây giờ, nhánh tây đường Hồ Chí Minh vẫn bí ẩn với nhiều người. Cây số đầu tiên của tuyến đường bắt đầu ở xóm Khe Giát, xã Xuân Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) và điểm cuối cùng là Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh ở Hướng Hóa (Quảng Trị), kéo dài khoảng 300km. Đó là một xứ sở thần tiên và con người hiền hòa. Nơi mà bạn chỉ muốn ôm hết vào lòng mọi khung cảnh hung vĩ và rực rỡ đến nao lòng.

Đúng 7h sáng, cả đoàn bắt đầu xuất phát từ Phong Nha, đi qua khu trung tâm di sản rồi nhập vào đường Trường Sơn nhánh Tây. Con đường xuyên hết dãy núi này đến dãy núi nọ. Có khi đổ xuống khe sâu hun hút, rồi lại lên cao chót vót trên các đỉnh núi. Cả Ranger và Everest mới đều phải chuyển từ số D sang số S và dùng cách về số giả lập (sang số tay từ S1 đến S6) để tiến lên đỉnh đèo đầy mây trắng vần vũ.

Hành trình ngáy 04 (1).jpg Hành trình ngáy 04 (13).jpg

Đường Trường Sơn nhánh Tây có khung cảnh hung vĩ và đẹp đến nao lòng

Con đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa chính là cái nền móng để xây dựng đường Trường Sơn Tây ngày nay. Đường đã được mở rộng, đổ bê tông chắc chắn, khang trang hơn nhưng vẫn heo hút. Khi được cầm lái trên cung đường ghi dấu lịch sử hào hùng đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước này, những kẻ đam mê xê dịch như chúng tôi không chỉ mê mẩn về cảnh sắc, con người nơi đây mà còn cảm thấy tự hào về những chiến công của cha ông năm xưa.

Lên đỉnh U Bò

Lịch trình ngày du khảo thứ 4 của chúng tôi là từ Phong Nha sẽ vượt khoảng 250km đường đèo núi ở phía Tây dãy Trường Sơn. Anh trưởng đoàn sáng ra đã phổ biến: “Các thành viên có thể dừng xe sáng tác ảnh, ghi hình, nhưng miễn sao phải đảm bảo nhật trình là dừng nghỉ ăn trưa tại trạm kiểm lâm U Bò và kết thúc ngày di chuyển ở thị trấn Khe Sanh”.

Hành trình ngáy 04 (7).jpgĐúng giữa trưa cả đoàn có mặt tại Trạm kiểm lâm U Bò

U Bò – cái tên nghe rất lạ trong “từ điển phượt” khiến cả đoàn tò mò. Thế nên, dù muốn ghi lại cho hết những cảnh đẹp bắt gặp trên đường nhưng ai nấy đều tác nghiệp nhanh để kịp đến điểm hẹn.

Gần đến U Bò, đường như rắn bò lên lên xuống xuống, quanh co gấp khúc cực kỳ nguy hiểm. Rừng ở khu vực này còn có vẻ hoang sơ, chưa bị bàn tay con người khai thác. Có những cây gỗ cao vút, thân nó to lớn dễ tới 2 – 3 người ôm.

Đúng giữa trưa cả đoàn có mặt tại Trạm kiểm lâm U Bò. Chúng tôi được các đồng chí kiểm lâm đón chào bằng những nụ cười, những cốc nước lá mát rượi rồi đích thân các anh dẫn chúng tôi lên đỉnh U Bò để thăm quan. Từ trạm kiểm lâm, muốn lên đỉnh phải cuốc bộ theo đường rừng, chặt cây, phạt lá mà đi theo những lối mòn dựng ngược.

Hành trình ngáy 04 (9).jpgĐứng trên đỉnh U Bò, phóng tầm mắt ra xa là thấy cả một thảm rừng dày đặc màu xanh của cây cối rêu phong

Đỉnh U Bò nằm ở độ cao 1.009m so với mực nước biển, giữa một khu rừng nguyên sinh ngút ngàn. Đứng trên đỉnh, phóng tầm mắt ra xa là thấy cả một thảm rừng dày đặc màu xanh của cây cối rêu phong. Tiếng chim thiên đường rồi khướu mun đá quý hiếm thi nhau hót. Nghe các anh kiểm lâm kể, vào những ngày hè thời tiết đẹp, trời quang mây tạnh, bằng mắt thường bạn có thể nhìn thấy thành phố Đồng Hới, xa xa là cửa Nhật Lệ, đảo Hòn La. Cảnh giống như một bức tranh sơn kỳ thuỷ tú.

Đường đến Khe Sanh

Qua U Bò, Trường Sơn vẫn trập trùng màu tím, hoang sơ và xa ngái. Đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây uốn lượn qua các bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu... Nhờ có đường mà những bản làng heo hút, khó khăn giờ đã khấm khá lên, người dân biết làm ăn nên cũng có tivi, xe máy, điện thoại…

Hành trình ngáy 04 (14).jpgĐường đến Khe Sanh

Dải đường lên Hướng Hóa xanh mướt bóng cây và những ngôi nhà sàn nằm lặng lẽ bên sườn núi. Suốt dọc đường đi, không biết bao nhiêu lần lên núi, xuống đèo, đánh lái không biết bao nhiều khúc cua. Cứ khoảng độ chục cây số đường quanh co lại có những đoạn khi thẳng tắp, khi uốn lượn cùng con sông Đakrông nước xanh biêng biếc.

Lần lượt những địa danh như Tăng Ký, Làng Ho, Cha Lỳ cứ thế trôi qua khung cửa xe. Chạm vào bản Cợp là đất Quảng Trị, chạy một mạch lại vượt đèo Sa Mù. Bất luận mùa nào thì đỉnh đèo mấy cây số cũng dày đặc sương mù. Bất luận ngày nào ai đi qua cũng đều chạm mặt với sương mù, thế nên người Pa Cô ở đây mới giải thích lý do có tên đèo Sa Mù.

Hành trình ngáy 04 (4).jpg Hành trình ngáy 04 (3).jpg

Khe Sanh - miền đất một thời đạn bom vần vũ

Vượt đèo Sa Mù, đoàn chúng tôi đi khoảng 35km nữa thì tới huyện lỵ của Hướng Hóa (Quảng Trị). Khe Sanh đón chúng tôi lúc trời đã nhập nhoạng. Về khách sạn, rồi cả đoàn đi ăn tối với một cựu chiến binh đã từng đánh trận Khe Sanh. Chúng tôi đã được nghe bao nhiêu chuyện trong những xúc cảm chưa dứt về miền đất một thời đạn bom vần vũ của người lính già.

>> Xem tiếp Ngày 5 - Hành trình khám phá Tây Trường Sơn

Một số hình ảnh ngày 4 hành trình khám phá Tây Trường Sơn:

Hành trình ngáy 04 (2).jpg

Hành trình ngáy 04 (6).jpg

Hành trình ngáy 04 (8).jpg

Hành trình ngáy 04 (10).jpg

Hành trình ngáy 04 (9).jpg

Hành trình ngáy 04 (12).jpg

Hành trình ngáy 04 (13).jpg

  • Ngày 3: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
  • Ngày 2: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
  • Ngày 1: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn

Thế Đạt (trithucthoidai)
Ảnh: Trung Hiếu

Tin tức liên quan