Cái ước mơ người Việt tự sản xuất được chiếc ôtô tưởng đã bị “dập tắt” từ lâu, bỗng lại được “thổi bùng” lên sau khi Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyên bố “làm ôtô”.
Mấy ngày nay nghe tivi, báo đài nói ra rả về dự án ôtô VinFast của ông Vượng. Người tung hô rõ lắm, kẻ nghi ngờ cũng nhiều.
Cũng đúng thôi. Khi ông Vượng mở Bệnh viện Vinmec, ai cũng nghi ngờ về chuyên môn. Khi ông mở Trường học Vinschool, ai cũng lo lắng về chất lượng. Còn khi ông mở VinEco để bán rau sạch, thậm chí còn bị dè bỉu.
Thực tế đã chứng minh, những nghi ngờ - lo lắng – dè bỉu đó là “thừa”, vì đơn giản, những Vinmec, Vinschool hay VinEco của ông Vượng đều đang “sống” khỏe.
Dường như, cái tên Phạm Nhật Vượng đến thời điểm này là sự “đảm bảo” cho những thứ Vingroup mở ra. Bởi Vingroup đã bao trùm những lĩnh vực quan trọng: Bất động sản, Du lịch – vui chơi giải trí; Bán lẻ; Y tế; Giáo dục và Nông nghiệp. Lĩnh vực nào cũng thành công.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là VinFast (với ôtô) sẽ thành công 100%. Đó là thứ thuộc về tương lai, mà tương lai thì không nói trước được.
Trong số những kẻ tung hô lắm, nghi ngờ nhiều nói trên, tiếc là tôi lại thuộc nhóm nghi ngờ. Nghi ngờ về sự thành công của Dự án VinFast.
Tôi nghi ngờ vì ông Vượng chưa từng làm ôtô, đó là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với Vingroup. Những thứ chưa từng làm và hoàn toàn mới mẻ tỷ lệ thành công là có, nhưng đương nhiên không cao. Vì sao ư, những thương hiệu như Toyota, Honda, Ford, Chevrolet có bề dày lịch sử hàng trăm năm nhưng cũng đã phải rất nhiều thời gian để nghiên cứu chế tạo ra động cơ, khung gầm, rồi thiết kế, công nghệ… Mọi thứ đều có quy trình, và nếu làm ôtô, ông Vượng sẽ làm luôn từ ngọn. Kiểu như sẽ mua một động cơ “noname” từ một hãng xe nào đó, đóng mác Vin, thuê thiết kế, mượn khung gầm thế là thành ra cái xe VinFast.
Tôi nghi ngờ khi nhìn vào 2 “cái tên” đi trước: Trường Hải và Xuân Kiên. 2 cái tên xuất hiện ban đầu đã được kỳ vọng giải nỗi khát khao ôtô của người Việt nhưng đã không thể thành công như mong muốn. Trường Hải nay chuyên sâu vào lắp ráp cho thương hiệu nước ngoài. Xuân Kiên đã thất bại hoàn toàn.
Tôi nghi ngờ khi nhìn sang Trung Quốc. Nước “láng giềng” đầu tư mạnh cho ôtô nội địa, dành mọi ưu đãi từ thuế đến chính sách. Những đại gia như ông Vượng ở đất nước trên 1 tỷ dân lại càng không thiếu. Vậy mà họ đã làm được gì ngoài một nền ôtô nổi tiếng với ăn cắp công nghệ, nhái mẫu mã. Lượng ôtô nội địa của một Trung Quốc lớn mạnh cũng chỉ chiếm không quá bán (xấp xỉ 40%).
Tôi nghi ngờ khi nhìn vào những thương hiệu xe hơi “ngoại” đang có mặt tại Việt Nam. Xe Nhật, Hàn, Mỹ chiếm phần lớn thị phần, có chất lượng tốt và giá ngày càng rẻ.
Là một người Việt, tôi rất mong, rất mong dự án VinFast của ông Vượng thành công. Mong cho người Việt có một chiếc xe do chính chúng ta sản xuất. Mong cho ước mơ có một chiếc ôtô tốt, giá rẻ sau bao nhiêu năm của người Việt trở thành hiện thực.
Và mong, mong cho những nghi ngờ, lo lắng của tôi là thừa, là sai.
Thế Đạt