Toyota để ngỏ khả năng ngừng lắp ráp ở Việt Nam

Ngày tạo: 16-12-2017

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Toyota có tiếp tục lắp ráp xe hơi tại Việt Nam hay sẽ ngừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu khi thuế suất nhập khẩu xe cắt giảm về 0% vào năm 2018, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) Yoshihisa Maruta thừa nhận đang “trong tình trạng sắp phải đưa ra quyết định”.

Hôm 2/4, Toyota đã có cuộc họp báo tại Hà Nội công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015. CEO hãng xe đến từ Nhật nhận được rất nhiều câu hỏi từ báo giới, nhưng đây là câu mà ông dừng lại lâu nhất. 

tonggiamdoc-toyota-vietnam.jpgTổng Giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta

“TMV hiểu rằng ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng luôn khẳng định với các cơ quan của Chính phủ là lịch sử ngành sản xuất xe hơi tại Việt Nam còn quá mới mẻ và ngành công nghiệp phụ trợ còn quá non trẻ. Đối với một nhà máy lắp ráp, nếu môi trường công nghiệp phụ trợ phát triển thì mới có thể giảm giá thành sản xuất xe. 

Trong khi đó, tất cả linh kiện của TMV gần như đều phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến chi phí tăng cao. Cho nên, đến một lúc nào đó, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam sẽ rẻ hơn so với việc nhập từng phụ kiện về lắp ráp” – ông Yoshihisa Maruta chia sẻ. 

Và bằng một thái độ chân thành, người đứng đầu công ty xe hơi chiếm thị phần lớn nhất, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: “Chính vì thế, đối với chúng tôi, thời điểm năm 2018 là một vấn đề rất lớn. Trong VAMA, các nhà sản xuất xe khác đều gặp vấn đề tương tự, tức là đều trong tình trạng sắp phải quyết định có tiếp tục sản xuất hay sẽ chuyển sang nhập khẩu xe. 

Để xuất xưởng một chiếc xe mới, một hãng xe cần khoảng 3 năm để chuẩn bị. Cho nên năm 2015 này là quyết định có tính chất sống còn với chúng tôi. Năm ngoái Chính phủ đã thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Tuy nhiên, trong kế hoạch này cũng chưa đưa ra các chính sách cụ thể và hiện chúng tôi chưa biết phải làm gì. Vì vậy, trả lời câu hỏi trên, chúng tôi cũng chỉ xin nói là đang đợi. Nếu Chính phủ không có các động thái hỗ trợ, chắc chắn các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn”.

Có thể hiểu được tâm trạng của ông Yoshihisa Maruta. Ông đã có 3 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông vẫn nhắc lại ngày mới từ Nhật tới Việt Nam nhận trách nhiệm điều hành TMV, thị trường ô tô trong nước đang trong tình trạng vô cùng khó khăn: nền kinh tế đi xuống, thuế trước bạ áp dụng đối với xe ô tô thì tăng. “Lúc đó, tôi nhận thấy rất nhiều khó khăn và thách thức khi phải chèo lái “con thuyền” Toyota tiến lên phía trước”. 

Thế rồi, 3 năm qua, cùng với đà phục hồi kinh tế, hãng xe Nhật dưới sự lãnh đạo của ông đã gặt hái được những thành tựu đáng kể, trong đó có kỷ lục mới doanh số bán hàng với 41.205 xe giao đến tay khách hàng vào năm ngoái, tăng 24% và chiếm gần 31% thị phần. Bên cạnh đó là kỷ lục mới về sản lượng sản xuất, với 34.778 chiếc xe xuất xưởng. Hôm 24/3 vừa qua, TMV vừa vui mừng chào đón chiếc xe thứ 300.000  ra đời tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.

Năm 2015 nhu cầu thị trường được dự báo tiếp tục tăng trưởng với nhiều điều kiện kinh tế thuận lợi. TMV đặt chỉ tiêu doanh số bán 46.000 xe, tiếp tục tăng  trưởng 13% so với kỷ lục năm 2014. Riêng sản lượng sản xuất tăng 18%, dự kiến đạt 41.000 xe. Vì vậy, việc phải đưa ra một “quyết định sống còn” như vậy trong năm nay quả là khó khăn. Trong khi đó, đây cũng là năm mà TMV kỷ niệm tròn 20 năm thành lập công ty.

“Trong năm nay TMV sẽ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn đánh dấu thời điểm quan trọng này bằng việc bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ bắt đầu một hành trình chuyển động mới hướng tới tương lai và luôn là công dân tốt trong cộng động sở tại” – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam nói.

>> Toyota Việt Nam công bố thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015

 Theo baodatviet.vn

Tin tức liên quan