Với sự thay đổi mạnh mẽ cả ở mặt thiết kế, tiện nghi lẫn vận hành, Mitsubishi Triton đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu giành lại vị trí dẫn đầu trong phân khúc xe bán tải tại Việt Nam.
Thị trường xe bán tải tại Việt Nam từ năm 2010 trở lại đây chứng kiến sự “lột xác” hoàn toàn. Những chiếc xe pick-up ngày càng hiện đại, bắt mắt và tiện nghi hơn. Và cần phải nhắc nhớ lại rằng, Mitsubishi Triton chính là mẫu xe đi tiên phong trong việc thay đổi định kiến của người dùng về những chiếc pick-up thô kệch, ăn xăng, không tiện nghi được nhập khẩu trước đó.
Triton chờ phiên bản hoàn toàn mới xuất hiện vào giữa năm 2015 để tìm lại vị thế xưa tại thị trường Việt
Mitsubishi Triton từng có một thời vàng son vào những năm 2008 - 2010, khi bắt đầu tham gia phân khúc bán tải, nhờ kiểu dáng thể thao xen chút lãng tử, cùng “đặc sản” là hệ thống dẫn động “đặc trị” những cung đường khó mà các mẫu xe cùng phân khúc phải “chào thua”. Những tín đồ “máu nhiễm bùn” cũng rất chuộng mẫu xe này không chỉ bởi khả năng đi địa hình tốt mà còn bởi độ “lành” và độ “lì” của xe, vốn là điều làm nên tên tuổi của Mitsubishi.
Thế nhưng, trước sự cạnh tranh đầy khốc liệt từ Ranger, Navara hay BT-50, Triton đã phải nhường “ngôi” do thị hiếu và phong cách mua xe bán tải của người Việt thay đổi nhanh chóng. Các đối thủ có nhiều trang bị hơn, thiết kế bắt mắt hơn và điều quan trọng là mới hơn. Sau thời gian “thất thế”, Triton đành chờ phiên bản hoàn toàn mới xuất hiện vào giữa năm 2015 để tìm lại vị thế xưa tại thị trường Việt.
Để cảm nhận cho “trọn” sự thay đổi mạnh mẽ từ Mitsubishi Triton thế hệ mới, tôi đã cùng chiếc xe vượt qua hơn 300 cây số theo cung đường Hà Nội – Ba Khan – Mai Châu – Kim Bôi – Hà Nội, trải qua nhiều loại địa hình từ phố thị, cao tốc, đường trường, đường đồi núi đến lội suối, off-road.
“Đường xa mới hay sức ngựa”, từng km đường chúng tôi đi qua, Triton đều thể hiện rất tốt những tính năng mới nhất của mình.
Nhìn tổng thể, ngoại hình Mitsubishi Triton mới vẫn giữ được đường nét mềm mại uyển chuyển so với thế hệ trước. Kích thước (dài x rộng x cao): 5.280 x 1.815 x 1.780 mm cho thấy Triton mới dài và cao hơn so với trước đây. Góc độ cá nhân tôi đánh giá, nếu đứng riêng lẻ so với các đối thủ như Navara NP300, Ranger, BT50 thì có cảm giác Triton nhỏ nhắn hơn, nhưng thực ra không hẳn. Điều đó là do các nét thiết kế tròn và mềm tạo cái nhìn thon gọn hơn.
Nhìn tổng thể, ngoại hình Mitsubishi Triton mới vẫn giữ được đường nét mềm mại uyển chuyển so với thế hệ trước
Điểm khiến tôi ấn tượng ở vẻ bên ngoài của Triton chính là thiết kế cụm đèn LED chiếu sáng ban ngày đặc trưng và đèn pha bi-xenon tạo nên điểm nhấn cho phần đầu xe. Đuôi xe thể thao hơn nhờ đèn hậu “phối” hài hòa cùng tổng thể thiết kế cản sau và đèn phanh LED.
Được biết, chỉ số cản gió của Triton mới là 0,42 CD, tốt nhất trong phân khúc, góp phần giúp xe đạt sự ổn định tối ưu khi vận hành ở tốc độ cao cũng như giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2.
Trước khi nhận xe Triton để tiến hành chuyến đi lái thử, tôi đã từng tìm hiểu về thiết kế J-line đặc trưng của Triton mới. Và quả thực, chỉ có nhìn tận mắt kiểu thiết kế này mới thấy nó có nhiều điểm cải tiến. J-line là đường phân cách có hình dáng giống chữ J giữa khoang hành khách và khoang chở hàng, khác với đường phân cách thẳng đứng cứng nhắc trên các mẫu xe pick-up truyền thống. Không chỉ tạo ra một cảm giác liền lạc, thống nhất giữa cabin và khoang chở hàng, thiết kế J-line còn mang đến những cải tiến quan trọng cho thế hệ Triton thứ 5 của Mitsubishi, từ khoang chở hàng lớn hơn, nội thất rộng rãi hơn cho đến khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Nội thất Mitsubishi Triton 2015 được bọc da phần lớn các chi tiết, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, vôlăng 3 chấu tích hợp lẫy chuyển số thể thao, hệ thống giám sát hành trình và phím điều chỉnh âm thanh, chìa khóa thông minh, phím khởi động Start/Stop Engine... Tiếc là Triton chỉ có điều hòa tự động 2 vùng cho hàng ghế trước còn hàng ghế sau không có tiện ích này. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi ngồi ở hàng ghế sau trong một hành trình dài cảm thấy không bị khó chịu vì điều hòa của Triton thế hệ mới lạnh sâu và tỏa mạnh. Cửa gió điều hòa trên xe được thiết kế lớn giúp đảm bảo được khả năng làm mát cho cả không gian cabin xe.
Nhờ thiết kế J-line, Triton mới có chiều dài khoang nội thất lớn nhất trên thị trường xe pick-up hiện nay
Nhờ thiết kế J-line, Triton mới có chiều dài khoang nội thất lớn nhất trên thị trường xe pick-up hiện nay nhưng vẫn đảm bảo bán kính quay vòng ngắn nhất. Thêm vào đó, không gian để chân lên đến 1.745mm – rộng rãi nhất phân khúc cùng với lưng ghế sau có độ nghiêng 25° góp phần mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho cả năm hành khách trong những chuyến hành trình xa.
Ngồi lái thử Triton trên quãng đường dài, tôi thấy rõ được tính hợp lý của ghế lái. Nó hỗ trợ hông, đùi tốt hơn, ôm hơn và được bọc da toàn bộ, thêm phần sang trọng và tiện nghi cho khoang nội thất. Ghế lái còn được trang bị tính năng chỉnh điện 8 hướng.
Triton hoàn toàn mới sở hữu nhiều tiện nghi vốn chỉ được trang bị trên những mẫu xe du lịch cao cấp như hệ thống giải trí DVD với màn hình cảm ứng 6.1”, âm thanh 6 loa với kết nối Bluetooth/AUX/USB/HDMI. Một điều khiến tôi chưa vừa ý ở hệ thống giả trí của Triton chính là đầu DVD mang thương hiệu Clarion nhìn hơi thô và không hợp lắm với thiết kế của táp-lô vì có kích thước nhỏ hơn và cũng không tạo sự liền mạch cần thiết. Bù lại, đầu DVD này và 6 loa trên xe cho chất lượng âm thanh khá tốt, tiếng Bass sâu và chắc.
Có nhiều thay đổi về thiết kế ngoại và nội thất, nhưng khả năng vận hành vượt mọi địa hình của Triton thế hệ thứ 5 này mới là điều tôi muốn nói tới nhiều nhất.
Ngoài phiên bản động cơ diesel tiêu chuẩn 4D56 2.5L kế thừa từ thế hệ trước sử dụng cho phiên bản 4x2 MT, Triton 2015 được trang bị động cơ High power ứng dụng công nghệ turbo tăng áp VGT, công suất tối đa 178 mã lực và mô-men xoắn tối đa 400Nm, cải thiện 30% công suất và 23% mô-men xoắn so với bản tiêu chuẩn.
Khả năng vận hành vượt mọi địa hình của Triton thế hệ thứ 5 là rất ấn tượng
Khi di chuyển trong nội đô với những con phố ken kín phương tiện, Triton 2015 có chút lợi thế so với các đối thủ cùng phân khúc bởi cảm giác thanh thoát và dễ dàng xoay xở ở các khúc cua hay khi quay đầu. Hệ thống trợ lực lái tối ưu hóa vòng quay và lực quay, bán kính quay vòng chỉ khoảng 5,9m. Gương chiếu hậu to bản giúp người lái dễ dàng quan sát, tuy nhiên góc chữ A vẫn còn chút hạn chế tầm nhìn người lái.
Thoát khỏi thành phố đông đúc, tôi có dịp trải nghiệm tốc độ của Triton trên đại lộ Thăng Long, với giới hạn tốc độ 100km/h. Đây là con đường rất thú vị cho việc thử tốc độ xe. Sử dụng động cơ Diesel nhưng Triton 2015 cho thấy khả năng tăng tốc khá nhanh, chạy ở tốc độ cao (100km/h) xe vẫn giữ được độ ổn định và chắc chắn.
So với đối thủ Navara NP300, tôi có cảm nhận Triton nhẹ nhàng hơn ở tốc độ thấp và chắc chắn hơn ở tốc độ cao. Tuy nhiên, cũng ở hai dải tốc độ khác nhau này, chúng tôi mới cảm nhận rõ độ ồn lọt vào khoang xe. Ở tốc độ 40km/h, nhược điểm của động cơ máy dầu bộc lộ khi tiếng máy gầm lên khá lớn. Tiếng ồn chỉ dần bị triệt tiêu ở tốc độ lớn hơn 70km/h. Đây cũng là điểm hãng Mitsubishi xử lý chưa tốt so với cái cách mà Ford, Mazda hay Nissan đã làm với Ranger, BT-50 hay Navara.
Thử sử dụng chức năng Cruise Control thì thấy chức năng này trên xe dễ thao tác. Vẫn tập trung vào việc lái xe, tôi chỉ cần dùng ngón tay phải ấn nút kích hoạt rồi gạt lẫy lên/xuống để tăng/giảm tốc độ muốn cài đặt. Bộ điều khiển này có thể kích hoạt ngay ở tốc độ ở 40 km/h, rất hữu ích với nhiều tuyến đường giới hạn tốc độ tại Việt Nam hiện nay. Còn trên đại lộ Thăng Long, nhờ Cruise Control, tôi có thể duy trì chiếc xe ở một tốc độ ổn định mà không bị vượt qua giới hạn, đồng thời, có thể “buông” hẳn chân ga một cách thoải mái.
Sẽ là phí phạm nếu cầm lái 1 chiếc bán tải trang bị hệ dẫn động Super Select 4WD II (SS4 II) tới 4 chế độ gồm: 1 cầu nhanh (2H), 2 cầu nhanh (4H), 2 cầu nhanh khóa visai trung tâm (4HLc) và 2 cầu chậm khóa visai trung tâm (4LLc) mà cứ chạy trên những cung đường nhựa. Vì thế, tôi quyết định thử sức chiếc xe ở bãi offroad đá sỏi, dốc cao trong làng Văn hóa các dân tộc Đồng Mô.
Triton có ưu điểm là có cả khóa visai trung tâm giúp cả 4 bánh quay cùng 1 lúc với lực kéo như nhau
Cầm lái Triton đi vào địa hình xấu cho cảm giác khác hẳn, giảm xóc xe có hành trình dài và độ đàn hồi cao nên sẽ cảm nhận được độ êm tuy nhiên với những ai dễ bị say xe thì sẽ không thích cảm giác mà giảm xóc Triton mang lại cho lắm. Với các cung đường gập ghềnh và hiểm trở thì chỉ cần xoay tròn nút điều khiển chuyển sang chế độ 2 cầu nhanh hay 2 cầu nhanh khóa visai trung tâm là Triton có thể dễ dàng chinh phục.
Bất ngờ hơn, khi tôi chọn một ngọn đồi đầy đá sỏi có độ dốc lớn và trơn trượt rồi chuyển sang chế độ 2 cầu chậm khóa visai trung tâm. Xe chinh phục con dốc một cách dễ dàng. Triton có ưu điểm là có cả khóa visai trung tâm giúp cả 4 bánh quay cùng 1 lúc với lực kéo như nhau. Các đối thủ cùng phân khúc chỉ có chế độ 2 cầu chậm hoặc 2 cầu chậm khóa vi sai cầu sau nên sẽ không thể tạo được khả năng dẫn động mạnh mẽ như trên Triton. Bên cạnh đó, góc vượt đỉnh dốc, góc thoát và góc tiếp cập của Triton thuộc vào loại tốt nhất nên con dốc cao và trơn trượt này không phải là trở ngại đối với chiếc xe.
Tiếp tục hành trình “thử sức” Triton, tôi rời Đồng Mô, rẽ ra đường 21 rồi theo quốc lộ 6 lên hồ Ba Khan (Hòa Bình). Khu vực lòng hồ Ba Khan có địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt liên tục với một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Càng lên phía đỉnh, hai tai càng ù vì chênh lệch áp suất. Mỗi khi qua đường dốc, duy trì một mức chân ga nhưng hộp số tự động 5 cấp vẫn chủ động về số thấp để tăng mô-men vượt dốc mà xe không bị giật cục.
Mitsubishi Triton tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua, có những đoạn có thể ôm cua ở tốc độ 70km/h, tiếng lốp miết ken két tại các khúc cua tay áo nhưng xe vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác lái rất thật, sau vôlăng của xe, người lái có thể cảm nhận được rõ từng phản hồi của mặt đường và việc điều chỉnh góc lái cực kỳ chính xác.
Với những con dốc 10%, mặt đường đầy sỏi đá, tôi chuyển sang chế độ 4H. Chế độ vận hành này của Triton hoạt động như một hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian AWD, có thể hoạt động ở tất cả các tốc độ và các loại đường sá khác nhau, đặc biệt chuyên dùng để đi đường nhựa trơn trượt và đường đèo dốc. So với các đối thủ chỉ có 3 chế độ, trong đó chế độ 2 cầu chỉ đi đường xấu và địa hình, không đi được trên đường nhựa thông thường.
Trên đường đèo núi, Mitsubishi Triton tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua
Tôi cũng khá bất ngờ khi Mitsubishi còn tích hợp lẫy sang số trên vô lăng – một tính năng chưa từng được xuất hiện trong phân khúc pick-up hiện nay. Đi đường núi, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi dùng lẫy chuyển số để về số thấp giảm tốc khi vào cua rồi bất ngờ tăng tốc để thoát cua một cách chủ động mà không cần dùng phanh.
Trở về Hà Nội một cách an toàn sau nhiều cây số trải nghiệm và thử các tính năng của xe Triton, tôi biết rằng, để có một chuyến đi “xuôi chèo, mát mái” như thế thì những trang bị an toàn góp phần không nhỏ. Đó là khung Rise cứng vững, túi khí đôi cho người lái và hành khách phía trước. Đó là dây đai an toàn với chức năng căng đai tự động và hạn chế lực kéo cho ghế trước, hay đó là hệ thống phanh ABS, EBD.
Sự “trở lại” của Mitsubishi Triton 2015 cùng sự xuất hiện của một loạt cái tên như Ranger, Navara NP-300, BT-50, Colorado khiến cho phân khúc bán tải trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Giá thấp hơn hầu hết các đối thủ cùng khả năng vận hành ưu việt, đó là ưu thế của Triton, nhưng để trở lại thời kỳ “vàng son”, cá nhân tôi đánh giá, có lẽ, Triton cần phải nỗ lực và cải tiến mạnh mẽ hơn thế nữa?
Thông số kỹ thuật xe Mitsubishi Triton
• Mitsubishi Triton 4x4 AT: 775.200.000 VNĐ
• Mitsubishi Triton 4x4 MT: 690.200.000 VNĐ
• Mitsubishi Triton 4x2 AT: 630.200.000 VNĐ
• Mitsubishi Triton 4x2 MT: 595.400.000 VNĐ
• Dài x Rộng x Cao: 5.280 x 1.815 x 1.780 (mm)
• Dung tích động cơ: 2.5 (L)
• Động cơ: Diesel Commonrail - VGT (4D56 - High Power)
• Công suất: 178/4.000 (ps/rpm)
• Mô-men xoắn: 400/2.000 (Nm/rpm)
• Hộp số: tự động, 5 cấp Sport mode
• Dẫn động: 4WD
Thế Đạt (Trithucthoidai)
Ảnh: Lê Hùng