Lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong tháng 10, ngược chiều hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến bất thường này cho thấy tâm lý chờ đợi giá xe ngoại nhập giảm mạnh hơn là điều được khẳng định, nhưng sự chờ đợi của người dân liệu có bị “dội gáo nước lạnh”?
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 10/2017 chỉ có 878 chiếc. Tháng 9, cũng chỉ có 918 chiếc ô tô ngoại dưới 9 chỗ về Việt Nam. Trong khi đó, tháng 8 có tới gần 3.700 chiếc nhập về.
Trung bình 10 tháng, lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập về là 34.430 chiếc, trị giá 622 triệu USD. Như vậy, giá trung bình mỗi chiếc ô tô nhập về là hơn 410 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế phí).
Số liệu của Hải quan cho thấy lượng ô tô nhập đang giảm mạnh
Có thể thấy, lượng ô tô nhập về Việt Nam những tháng cuối năm 2017 đã giảm rất mạnh, từ gần 3.700 chiếc của tháng 8 giảm chỉ còn 878 chiếc trong tháng 10, tức hơn 4 lần. Còn nếu so với tháng 10 năm ngoái (hơn 4.300 chiếc) thì lượng xe nhập về tháng 10 năm nay giảm tới gần 5 lần. Rõ ràng, so với cùng kỳ năm trước, có thể thấy xu hướng nhập xe của năm nay rất khác biệt.
Tổng cộng, lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam trong 10 tháng năm 2017 ít hơn 2.200 chiếc so với cùng kỳ, còn mức giá trung bình lại tăng hơn 47 triệu đồng/chiếc.
Giá xe nhập về tăng hơn năm trước có thể lý giải là do có sự khác biệt về chủng loại xe nhập về Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nhập nhiều mẫu xe có giá thành cao hơn thì giá nhập về cũng sẽ cao hơn và ngược lại.
Trong 10 tháng năm 2017, Thái Lan tiếp tục là thị trường nhập ô tô các loại (xe con, xe tải, xe khách) lớn nhất của Việt Nam. 10 tháng có 28.889 chiếc ô tô của Thái Lan được nhập về Việt Nam; đứng thứ hai là Indonesia với 16.120 chiếc, Hàn 6.872 chiếc, Trung Quốc 7.504 chiếc, Ấn Độ là 5.495 chiếc, Mỹ 2.851 chiếc,...
Dân Việt đang hồi hộp chờ đợi giá xe năm 2018
Lượng ô tô nhập về cuối năm giảm mạnh tiếp tục khẳng định tâm lý chờ đợi việc giảm thuế nhập khẩu ô tô vào đầu năm 2018. Theo đó, từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0%.
Một lý do khác có thể là nguyên nhân khiến lượng xe nhập về giảm mạnh là sự thay đổi chính sách. Một loạt DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết đã quyết định hủy đơn hàng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam vào đầu năm 2018. Theo các DN này, đến hết tháng 2/2018, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc chưa thể về Việt Nam.
Nguyên nhân là nhiều DN chưa đáp ứng kịp những điều kiện mới đặt ra trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, có hiệu lực từ 17/10/2017.
Theo quy định, các DN nhập khẩu xe phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Thông thường ở các nước, cơ quan này chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước, không cấp cho xe xuất khẩu. Đến nay, nhiều DN vẫn chưa xin được chứng nhận này.
Trên thị trường, hiện một số mẫu xe nhập khẩu đã bị đẩy giá tăng. Chẳng hạn như mẫu Fortuner của Toyota Việt Nam, nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, nếu khách hàng mua vào thời điểm này sẽ phải cộng thêm 40 triệu đồng nữa.
Cùng với một loạt chính sách với ô tô nhập, giá xe nhập năm 2018 chưa chắc đã giảm nhiều như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Đơn cử, quy định mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang 1 chiếc xe đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Theo các DN, chi phí thử nghiệm như thế tốn từ 40-100 triệu đồng/lần và phải chờ từ 2 tuần đến 2 tháng mới có kết quả.
Theo quy định trước đây, khi nhập khẩu, DN chỉ lấy 1 xe làm mẫu mang đi thử nghiệm. Những lô hàng sau nhập mẫu xe đó thì không cần thử nghiệm lại. Nhưng bây giờ mỗi lô hàng nhập về, lô trước lô sau đều phải thử nghiệm giống nhau. Nhập khẩu 1 xe hay 3 xe, đều phải đi thử nghiệm, như vậy vừa thêm tốn kém chi phí vừa mất thời gian. Nếu số lượng xe nhập về nhiều, quá tải, sẽ phải chờ đợi rất lâu, như vậy xe không thể mang ra bán ngay được, chi phí kho bãi sẽ rất lớn.
Tất cả những chi phí này đều được tính vào giá thành khiến giá xe khó giảm như mong đợi.
Theo Hà Duy