VAMA liên tục kêu cứu cho xe nhập khẩu, còn Trường Hải và Hyundai Thành Công hết mình ủng hộ những quy định trong Nghị định 116.
Ngày 14/12, VAMA lần thứ 4 trong vòng hai tháng gửi thư kiến nghị lên Chính phủ để nhấn mạnh việc cần điều chỉnh Nghị định 116 về kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô. Lần này, các hãng muốn hoãn thi hành Nghị định 116 thêm 6 tháng so với thời điểm hiện quy định là 1/1/2018.
Một ngày trước khi VAMA gửi ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản về vấn đề Nghị định 116. Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng kêu khó vì những quy định mới.
Trong thư kiến nghị gửi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đại diện VAMA, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam một lần nữa nhắc lại những trở ngại mà Nghị định mang tới cho các hãng liên doanh. Đó là việc xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Tổ chức nước ngoài cấp, phải kiểm định theo từng lô.
Lo ngại không nhập được xe về bán khiến các hãng như ngồi trên đống lửa. Nếu Nghị định không có gì thay đổi, các hãng sẽ không thể nhập khẩu xe về Việt Nam, mảng kinh doanh này đứng trước nguy cơ khai tử.
Trong lịch sử ngành ôtô Việt Nam, lần đầu tiên Hiệp hội lớn nhất trong ngành gửi thư kiến nghị tới 4 lần về một chính sách liên quan nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Những năm trước, Hiệp hội này có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn trong ngành, ý kiến của VAMA nhờ đó có sức nặng trong việc thiết lập chính sách.
Toyota Fortuner và những xe nhập khẩu khác nguy cơ không thể về Việt Nam.
Từ vài năm nay, các hãng lắp ráp thuần Việt như Trường Hải và Hyundai Thành Công trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm thị phần chi phối, áp đảo các hãng liên doanh. Các chính sách trong ngành bởi vậy cũng phải xác định rõ ràng hơn, ủng hộ lắp ráp hay nhập khẩu. Trên góc độ vĩ mô, lắp ráp là lựa chọn của những người điều hành đất nước.
"VAMA đang mông lung, mất phương hướng", một chuyên gia trong ngành nhận định. Tổng giám đốc Toyota Việt Nam xuất hiện thường xuyên trên báo chí, truyền hình để giãi bày sự khó khăn mà các liên doanh đang phải đối mặt, một hoạt động ít thấy trước nay.
Hãng xe Nhật khẳng định ủng hộ chủ trương hạn chế xe nhập khẩu như Chính phủ đang hướng tới, nhưng không phải là theo cách cực đoan như Nghị định 116.
"Chúng tôi hướng tới lắp ráp, nhưng vẫn cần có một vài sản phẩm nhập khẩu để phục vụ nhu cầu khách hàng trong nước", ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam chia sẻ. Theo ông, để tạo cạnh tranh tự do, thị trường cần có cả xe lắp và xe nhập, lựa chọn xe nào là quyết định của người tiêu dùng.
Hãng đồng hương Honda cũng rơi vào trạng thái "bó gối" chờ đợi. CR-V đã ra mắt khách hàng Việt hồi giữa tháng 11, nhưng xe nhập Thái thì khó lòng về kịp để bán ra thị trường. Chưa kể, những rào cản có thể khiến giá chiếc crossover cỡ C cao hơn nhiều so với các đối thủ lắp ráp là CX-5 và Tucson.
Nghị định 116 khiến tính toán của Honda không còn phù hợp. Từ 2016, Honda đã lên kế hoạch nhập khẩu CR-V thế hệ mới thay cho lắp ráp để tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, qua đó giảm giá chiếm thị phần. Nhưng "cơn gió" 116 đến cuốn ngược tất cả. Hãng đứng trước yêu cầu phải sắp xếp lại chiến lược, nếu vẫn muốn kiên định với CR-V nhập khẩu.
Ford, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu... hay các hãng xe sang nhập khẩu cũng chịu chung thế bí và ảnh hưởng còn lớn hơn bởi hoạt động kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào xe nhập khẩu. Trước khi bước sang năm mới, việc của các hãng là ráo riết nhập xe về trữ hàng. Mitsubishi Việt Nam kịp về thêm một lô vài trăm xe, trong đó có mẫu hàng chục, mẫu lại hàng trăm xe. Đại lý của Ford tiết lộ Ford Ranger có thể bán được tới tháng 1-2 năm sau vì một lượng xe có thể kịp thông quan trong 2017.
"Nếu Nghị định không có gì thay đổi, sang năm chúng tôi phải tính hướng khác ngoài xuất khẩu", một lãnh đạo Mitsubishi chia sẻ. Hãng này có tới 80% số lượng sản phẩm nhập khẩu, chỉ 20% lắp ráp. Với tác động của Nghị định, nhiều khả năng hãng sẽ lắp ráp nhiều hơn.
Ngược với các liên doanh thuộc VAMA, hai ông lớn lắp ráp trong nước là Trường Hải và Hyundai Thành Công lại hoàn toàn ủng hộ từng nội dung trong Nghị định 116 và thời gian hiệu lực ngay 1/1/2018.
Trong Công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Hùng Minh, Tổng giám đốc ôtô Trường Hải cho biết hãng hoàn toàn đồng thuận với các quy định nêu trong Nghị định 116 vì tạo ra chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn trong ngành ôtô, khuyến khích lắp ráp ôtô trong nước.
Nghị định 116 mở ra cơ hội bùng nổ cho những xe lắp ráp như CX-5.
Về yêu cầu hãng nhập khẩu phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, Trường Hải phân tích đây là biện pháp để đảm bảo chất lượng xe cho người tiêu dùng, tạo sự bình đẳng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu. Xe lắp ráp phải thực hiện các bước kiểm định xe từ Cục đăng kiểm, vì vậy xe nhập khẩu cũng phải có giấy chứng nhận này từ phía nước ngoài.
Về thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2018, Trường Hải cho rằng Nghị định đưa ra ngày 17/10/2017, như vậy các hãng nhập khẩu xe có hơn 2 tháng để chuẩn bị nên quy định này cũng hợp lý.
Hyundai Thành Công cùng quan điểm. Hãng này cũng có công văn gửi lên người đứng đầu Chính phủ với nội dung và cách lập luận tương tự Trường Hải. Trong ngành xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 116 gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng người tiêu dùng nhưng "Thành Công khẳng định sự đồng thuận tối đa" và mong Chính phủ tiếp tục giữ vững quan điểm quyết liệt để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam.
Trường Hải và Hyundai Thành Công là hai hãng lắp ráp lớn nhất tại Việt Nam và ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Trường Hải chiếm thị phần số một với kết quả tổng hợp của xe con với Kia, Mazda, Peugeot, xe tải, xe bus, từ 2018 có thêm BMW, Fuso. Hyundai Thành Công không công bố số liệu bán hàng tổng nhưng riêng 2017, i10 bán hơn 22.000 xe, thành cái tên bán chạy nhất thị trường, vượt qua Vios của Toyota. Grand i10 hiện lắp ráp thay vì nhập khẩu, mức giá nhờ đó cũng giảm đáng kể, tiềm năng mở rộng doanh số càng rõ ràng.
Phần lắp ráp của Toyota, Honda, Ford... mang lại đang dần đuối so với hai ông lớn thuần Việt. Toyota chỉ còn còn chủ lực Vios, Innova, Honda có City và Ford là Transit, chiếc van phục vụ khách hàng thương mại.
Thành bại ngành công nghiệp lắp ráp ôtô Việt Nam giờ đây quyết định trong tay Trường Hải và Thành Công. Những chính sách của Chính phủ vì thế cũng ảnh hưởng đầu tiên tới hai đại diện có nhà máy ở Chu Lai và Ninh Bình.
Thị trường sẽ thế nào nếu Nghị định 116 không thay đổi
"Đại lý than khó, luôn yêu cầu chúng tôi có biện pháp hỗ trợ", đại diện Mitsubishi Việt Nam cho biết. Xe nhập khẩu của hãng như Attrage, Pajero Sport All New đã bán hết, nhân viên kinh doanh chỉ túc tắc bán những xe còn lại, cơ hội là không nhiều.
Trong khi đó đại lý các hãng nhiều xe nhập khẩu như Ford tìm cách tối ưu hóa qua giá bán. Xe càng khan, giá càng đẩy lên cao vì luôn có khách hàng cần xe sớm.
"Bán được ít xe, tôi phải tối ưu thu nhập qua tiền hoa hồng mỗi xe bán ra", Đình Bắc, nhân viên kinh doanh một đại lý Ford tại Hà Nội cho hay. Nhưng khi bán hết xe nhập khẩu như Ranger thì thời gian còn lại là một bài toán khó, bởi xe lắp ráp của Ford không bán tốt như các đối thủ.
Các hãng phụ thuộc vào xe nhập khẩu sẽ gặp khó với Nghị định 116.
Đầu 2018, các hãng xe nhập khẩu nếu còn xe sẽ bán nốt, dự kiến "cầm cự" khoảng 1-2 tháng đầu năm. Sau đó, nếu Nghị định 116 không có gì thay đổi, họ sẽ phải tập trung bán xe lắp ráp.
"Chúng tôi chưa có đối sách nào khác để tối ưu hoạt động kinh doanh ngoài việc bán xe lắp ráp và ngồi chờ", một vị giám đốc bán hàng phân trần. Với các hãng thuần nhập khẩu, việc này càng khó khăn hơn.
Không loại trừ khả năng xe nhập khẩu tăng giá nếu khan hàng, nhưng các chuyên gia cho rằng hiện tượng này sẽ không kéo dài lâu. Ví như Fortuner có thể tăng thêm 200 triệu thời gian đầu hiếm hàng, nhưng về lâu dài, khách hàng sẽ tìm tới phương án thay thế, đó là cơ hội dành cho các đối thủ lắp ráp Hyundai Santa Fe, Kia Sorento, thậm chí các xe khác không cùng phân khúc nhưng có công năng tương tự.
Khoảng thời gian này, xe lắp ráp đang ung dung nhất. Các hãng đã bắt đầu công bố giá bán 2018 cho nhiều dòng xe lắp trong nước với mức giá tuy không giảm nhiều so với cuối 2017 nhưng khá hấp dẫn nếu so với mặt bằng 1-2 năm qua. Dòng xe lắp ráp nào tận dụng tốt lợi thế trong giai đoạn quá độ sẽ có tiềm năng chi phối thị trường. Đó là Vios ở cỡ B, Mazda3, Kia Cerato ở cỡ C hay CX-5, Tucson ở cỡ C? Câu trả lời dành cho mẫu xe không chỉ có giá hấp dẫn mà bản thân sản phẩm bắt đúng gu khách Việt.
Còn xe nhập khẩu, VAMA vẫn miệt mài tìm cách khiến Chính phủ nghĩ lại. Nếu bản kiến nghị lần thứ 4 này không nhận được câu trả lời, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo?
"Chúng tôi sẽ lại kiến nghị".
Theo Đức Huy