Việc ứng dụng những công nghệ mới khiến xe hơi ngày nay trở nên tiện nghi, an toàn, vận hành tốt hơn… Tuy nhiên, không phải cải tiến nào cũng thành công.
Các hãng xe hơi hiện phải cạnh tranh gay gắt trên mọi phương diện từ thương hiệu, giá cả, mức độ an toàn, tiết kiệm nhiên liệu đến công nghệ trang bị trên xe. Vì vậy, cứ mỗi một đời xe mới ra hằng năm là các nhà sản xuất phải tìm ra một cái gì đó mới cải tiến, để thu hút khách hàng.
Hầu hết các cải tiến kỹ thuật đều đem lại cho xe một ưu điểm nào đó, thí dụ như tiết kiệm xăng hơn, lái xe an toàn hơn, tài xế cảm thấy hứng thú khi ngồi trên xe hơn cho dù bị kẹt xe hàng tiếng đồng hồ… Tuy nhiên, vẫn có những trang bị không mấy tác dụng, thậm chí gây phiền toái cho lái xe.
Một số tài xế nhận ra rằng, có những trang bị mới trong xe làm cho họ lúng túng, khó chịu. Càng hiện đại thì càng… “hại điện!” Đặc biệt là những thiết bị kết nối mạng trong xe, đòi hỏi tài xế phải có một số kiến thức về công nghệ thông tin, mà không phải ai cũng biết, nhất là đối với những tài xế lớn tuổi. Mà khi biết cách sử dụng chúng rồi, thì cũng phải tập trung lắm mới điều khiển được. Lúc đó lại gây ra mất tập trung khi lái xe.
Mỗi người sẽ có một danh sách riêng những công nghệ “cải lùi” đáng ghét nhất của mình trên chiếc xe hơi. Nhưng sau đây là một số các kỹ thuật ứng dụng bị than phiền nhiều nhất:
Hệ thống cảnh báo chuyển làn (lane departure warning) là một hệ thống cảnh báo an toàn. Hệ thống camera trên xe sẽ căn cứ theo những vạch sơn phân cách làn trên đường để làm chuẩn báo động. Khi xe bắt đầu chuyển làn mà tài xế không bật xi-nhan, thì hệ thống sẽ phát âm thanh báo động, vì sợ lạc tay lái.
Vấn đề là ở chỗ nhiều tài xế muốn chuyển làn thực sự (chứ không phải… ngủ gật), nhưng lại không có thói quen bật đèn xi-nhan. Đặc biệt là những lúc đường vắng, ít xe cộ xung quanh. Trong những trường hợp như vậy dẫn đến báo động. Đó là chưa kể trường hợp vạch sơn phân cách làn không rõ, thời tiết làm giảm tầm nhìn của camera, những khúc đường cua gắt… cũng đều khiến hệ thống này báo động. Hậu quả là nhiều tài xế quyết định tắt luôn hệ thống cảnh báo này.
Màn hình điều khiển bằng cảm ứng (touchscreen infotainment systems). Thực ra, đây là một ý tưởng hay, khi kết hợp nhiều nút điều khiển những chức năng khác nhau của xe vào một màn hình, được điều khiển chỉ bằng chạm ngón tay vào để chọn lệnh. Tuy nhiên, có xe hệ thống này dễ sử dụng, có xe thì khó vì không logic lắm.
Những “nút nhấn ảo” trên màn hình này đôi khi không nhạy, cộng với độ phức tạp của menu, có thể dẫn đến việc làm mất tập trung khi lái xe đối với những tài xế thuộc thế hệ “dốt vi tính,” hoặc “không rành sử dụng smart phone”.
Đây cũng là một phiền toái đối với nhiều tài xế. GPS trong xe được điều khiển bằng một màn hình cảm ứng. Và nó cũng gây mất tập trung khi vừa lái xe vừa điều khiển. Để tránh tình trạng kém an toàn này, một số hãng xe tự động khóa hệ thống màn hình điều khiển này lại khi xe đang di chuyển. Hay! Nhưng cái dở là ở chỗ khi người ngồi cạnh tài xế muốn giúp đỡ thay đổi địa chỉ điểm đến cũng không làm được. Thôi thì chi bằng sử dụng GPS ngay trên điện thoại di động, vừa gọn gàng, vừa dễ điều khiển hơn.
Một vài xe có hệ thống cảnh báo giúp tài xế đậu xe trong khoảng không gian chật hẹp. Khi xe đang để ở số lùi, mà xe tiến quá sát đến xe đậu đằng sau, lập tức xe sẽ hú lên báo động. Chế độ này được đánh giá là gây phiền toái nhiều hơn lợi ích mà nó đem lại.
Cũng cùng chức năng hỗ trợ việc đậu xe, lùi xe, nhưng hệ thống camera nhìn phía sau (rear back-up camera) được cho là hữu dụng hơn, và đỡ… nhức tai hơn.
Ứng dụng dùng giọng nói để ra lệnh cho xe có thể tốt cho người phát âm tiếng Anh chuẩn. Tuy nhiên, với đa phần người Việt thì… vô ích. Bởi vì tiếng Anh của nhiều người chỉ đủ để giao dịch thông thường với người mà thôi. Khi phát âm không chuẩn, hệ thống sẽ không thể nhận diện được, thậm chí hiểu sai và đưa ra những lệnh rất buồn cười.
Anh Đức