Bạn đã bao giờ băn khoăn tự hỏi: “Động cơ của chiếc xe mình đang sử dụng có tuổi thọ bao lâu? làm cách nào để tăng độ bền và khi nào cần thay thế?”. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu!
Có một thực tế là các nhà sản xuất xe hơi thường đưa ra thông tin về tuổi thọ của động cơ một cách rất chung chung. Điều này cũng dễ hiểu bởi tuổi thọ của động cơ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như việc bảo dưỡng, cường độ vận hành và việc nhà sản xuất có sản xuất động cơ đảm bảo chất lượng hay không.
Trên xe, bên cạnh một vài bộ phận được thiết kế để thường xuyên phải thay bỏ, chẳng hạn lọc dầu, hay má phanh khiến chủ xe hầu như không quá bận tâm thì vẫn có một số bộ phận nào đó cần phải thay thế và rất đắt tiền, trong đó có động cơ.
Tuổi thọ của động cơ, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Khi bạn biết những nhân tố chính ảnh hưởng đến độ bền của “trái tim” xe bốn bánh, bạn sẽ dễ dự tính được tuổi thọ động cơ của chiếc xe.
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến độ bền của động cơ là cách chúng được chế tạo. Các loại động cơ xe hơi được làm từ những vật liệu kim loại khác nhau, nhưng chủ yếu từ nhôm và sắt. Trên thực tế, cũng có những động cơ được chế tạo từ nhiều hơn một loại kim loại. Chẳng hạn, trên một số loại xe tải, động cơ có dạng sắt khối và phần đầu bằng nhôm.
Nói chung, động cơ dạng sắt khối có xu hướng chịu lực tốt hơn và có độ bền cao hơn so với những mẫu động cơ khác. Sau nhiều năm sử dụng, sắt vẫn có khả năng chống chọi tốt với sức nóng đáng kể mà động cơ toả ra khi vận hành.
Cách một chiếc xe được điều khiển như thế nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của động cơ. Một động cơ phải làm việc “cực nhọc” hơn, với cường độ lớn hơn thường sẽ có tuổi thọ ngắn hơn. Tải nặng, liên tục tăng tốc hay giảm tốc, luôn phải “gắng sức” với vòng quay tua máy cao hoặc thường chạy với vận tốc tối đa trong thời gian dài cũng có thể rút ngắn tuổi thọ của động cơ. Tuy nhiên, việc bảo dưỡng mới thực sự là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến độ bền, sức dẻo dai của những cỗ máy này.
Bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng, việc chậm hoặc ít bảo dưỡng sẽ tác động tiêu cực đến tuổi thọ của tất cả các loại phụ tùng xe hơi. Vì thế, việc thực hiện đúng lịch bảo dưỡng các chi tiết của xe, đặc biệt là động cơ sẽ giúp các bộ phận này duy trì được độ bền cần thiết.
Một trong những yêu cầu quan trọng của việc bảo dưỡng động cơ là giữ cho loại nhiên liệu động cơ sử dụng được sạch và không lẫn tạp chất. Nếu động cơ là trái tim của cả cỗ máy thì nhiên liệu không khác gì máu của trái tim đó. Trong cơ thể con người, có tới 2 quả thận và 1 lá gan giúp làm sạch máu nhưng động cơ thì không thể hoàn hảo như vậy. Dù có thiết bị lọc nhiên liệu nhưng vẫn cần đảm bảo động cơ được sử dụng nhiên liệu sạch. Điều đó lý giải tại sao cần thường xuyên thay dầu động cơ và phải chắc chắn việc đó được làm trước khi dầu động cơ trở nên quá bẩn. Dầu bẩn trong động cơ cũng như máu bẩn trong cơ thể. Dù không tạo ra những hiệu quả tiêu cực ngay tức khắc nhưng dầu bẩn sẽ dẫn đến những hiểm hoạ khó lường. Dù chỉ một lượng nhỏ bụi bẩn tích tụ qua thời gian cũng sẽ là mầm bệnh nguy hiểm với “trái tim” của 4 bánh.
Ngoài ra, cũng cần đảm bảo luồng khí di chuyển quanh động cơ, nghĩa là luồng khí thổi vào trong động cơ cũng phải là khí sạch. Hãy làm sạch lọc gió. Thêm vào đó, việc động cơ bị nóng quá liên tục cũng tác động khá mạnh đến tuổi thọ, vì thế cần lưu ý đến hệ thống làm mát của động cơ.
Và khi đồng hồ báo động cơ quá nóng, áp suất dầu đã thấp thì đừng đợi thêm nữa, hãy mang ngay xe đến 1 gara tin cậy.
Volang