Honda giới thiệu CR-V 5+2 mới với “vũ khí” là động cơ Turbo VTEC. Mazda “đáp trả” khi gắn động cơ Skyactiv cho CX-5. Chúng ta hãy cùng làm một phép so sánh, xem 2 loại động cơ này hơn nhau ở điểm gì.
Honda CR-V sử dụng động cơ mới Turbo VTEC 1.5 có công suất 188 mã lực tại vòng tua 5.600 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại đạt 240Nm.
Mazda CX-5 sử dụng Skyactiv G dung tích 2.0 có công suất 162 mã lực tại vòng tua 6000 vòng /phút, 210Nm hoặc 2.5L có công suất 192 mã lực, 257Nm.
Với động cơ tăng áp mới cho CR-V, Honda hy vọng sẽ tạo được bước đột phá cho thế hệ xe kế tiếp, đại diện bởi Civic và CR-V. Việc giảm dung tích động cơ đưa ra hiệu năng cao hơn của Honda được giải quyết bằng con đường sử dụng Turbocharger, tạo nên công suất lớn hơn chút ít so với phiên bản động cơ dung tích 2.4 thế hệ trước đó.
Với động cơ tăng áp mới cho CR-V, Honda hy vọng sẽ tạo được bước đột phá cho thế hệ xe kế tiếp
Khác với Honda, Mazda có hướng đi riêng khi không sử dụng tăng áp, mà gia tăng tỷ số nén trong động cơ. Thế hệ Skyactiv G của Mazda được áp dụng nhiều công nghệ nhằm thoát khỏi rào cản là hiện tượng kích nổ trong động cơ có tỷ số nén cao.
Thực chất sử dụng turbo tăng áp của Honda hay tăng tỷ số nén cao của Mazda đều hướng đến 1 mục đích chung là tăng áp suất trong buồng đốt. Khi áp suất buồng đốt tăng cao, cùng lượng nhiên liệu có thể sinh ra nhiều công suất hơn, đồng thời giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu.
Để phân tích kỹ hơn về hiệu năng của động cơ tăng áp turbocharger, chúng ta có thể tham khảo công thức tính tỷ số nén tương đương với áp suất khí nạp trên động cơ có cùng dung tích.
Effective Compression = ((Boost PSI / 14.7) + 1) * Current Static Compression Ratio
(Effective Compression: Hiệu suất nén
Boost PSI: Áp suất khí nạp tính bằng PSI
Current Static Compression Ratio: Tỷ số nén trên động cơ tăng áp)
Hoặc đơn giản hơn là truy cập trang web và sử dụng công cụ tính toán online: http://www.gtsparkplugs.com/EffectiveCompressionCalc.html
Với công cụ tính toán sơ bộ này. Nếu đưa thông số trên cơ sở 2 động cơ cùng dung tích, ví dụ sử dụng thông số động cơ 1.5 Turbo VTEC của Honda, ta có tỷ số nén là 10.6 và áp suất turbo là 16 psi . Con số đưa ra ở mục kết quả là 22.88.
Con số 22.88 ở đây được hiểu tỷ số nén mà 1 động cơ hút khí tự nhiên dung tích 1.5L cần có để đạt được hiệu năng của động cơ Honda 1.5 Turbo VTEC khi turbo chạy với tốc độ lớn nhất.
So với thông số kỷ lục thế giới của công nghệ Skyactive đưa ra ở thời điểm hiện tại là 14.0 hoặc tương lai là 18.0 vào năm 2019 vẫn là con số quá xa. Vậy tại sao Mazda vẫn đi theo con đường công nghệ tỷ số nén cao trong khi Honda chuyển sang sử dụng Turbo tăng áp?
Mỗi công nghệ chế tạo động cơ đều có các hạn chế của nó, với động cơ turbo, hiện tượng turbo quay chậm (turbo lag) luôn được các hãng xe cải tiến liên tục để xóa bỏ sự chênh lệch công suất quá lớn giữa thời điểm turbo tăng tốc. Và rất nhiều hãng xe đang chuyển sang sử dụng động cơ Turbocharger.
So với động cơ Turbo tăng áp thường yếu ở tua thấp và khỏe ở tua cao, động cơ tỷ số nén cao sẽ đưa ra công suất ngay từ tua thấp, điều này tạo ra cảm giác bốc khi xe chạy ở tốc độ thấp. Tuy nhiên, ở tua cao sẽ thua động cơ tăng áp cùng dung tích.
Một yếu tố đáng được cân nhắc khi so sánh 2 động cơ nói trên là nguồn nhiên liệu - xăng của chúng ta khá bất ổn về mặt chất lượng. Liệu có phải thế hệ động cơ Skyactiv đầu tiên trên xe Mazda3 (những năm trước 2015 đã gặp phải rào cản kích nổ khi sử dụng tỷ số nén 14.0 tại thị trường Việt Nam) đã phải thay bằng động cơ có tỷ số nén thấp hơn là 13.0 nhằm sử dụng được nhiên liệu nước ta mà không sợ báo lỗi “cá vàng”? Tỷ số nén thấp hơn là hiệu năng động cơ thấp hơn, chính điều này đi ngược lại nguyên lý “tỷ số nén rất cao’’ của Skyactive.
Mazda đang lợi thế khi đưa ra tùy chọn động cơ 2.5 với công suất và mômen xoắn nhỉnh hơn của Honda
Sẽ là quá sớm và hồ đồ khi nhận xét động cơ Honda CRV đang sử dụng ưu việt hơn động cơ Skyactiv G được lắp trên CX-5 bản mới. Tuy nhiên, có thể nói rằng, động cơ Turbo trên Honda sẽ đem đến cảm giác lái thể thao hơn so với Skyactiv G dung tích 2.0 (do chênh lệch về công suất và mômen xoắn và đặc tính của động cơ Turbo), và có thể tin rằng động cơ 1.5 sẽ ăn ít xăng hơn động cơ 2.0.
Tuy nhiên, Mazda đang lợi thế khi đưa ra tùy chọn động cơ 2.5 với công suất và mômen xoắn nhỉnh hơn của Honda, điều này tạo ra cơ hội cho khách hàng của Mazda chọn lựa động cơ theo nhu cầu. Nhưng để có cảm giác tăng tốc như CR-V, người sử dụng CX-5 sẽ phải thêm chi phí nhiên liệu vì sử dụng dung tích lớn hơn.
Các hãng có thể sử dụng các động cơ có dung tích hoặc các công nghệ khác nhau, và cũng có thể giống nhau, nhưng ở Việt Nam thì động cơ chưa phải yếu tố đầu tiên để người Việt đưa ra quyết định mua xe. Các công nghệ mới, các sự thay đổi về động cơ đều cần thời gian kiểm chứng. Động cơ khỏe và ăn xăng ít sẽ không có lợi ích trong việc sử dụng lâu dài nếu không đủ độ tin cậy.
Gaz69